Hội thảo “Mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sau thời gian thí điểm”

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trên toàn diện các lĩnh vực. Thể chế quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm được nâng cao. Trong đó, đặc biệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trương thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm – đơn vị chuyên môn cấp Sở thuộc UBND tỉnh/thành phố.

Đồng chí Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp Hồ Chí Minh báo cáo tham luận tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Vinh Thanh – Trưởng Ban, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tỉnh Bắc Ninh báo cáo tham luận tại Hội thảo

Báo cáo tham luận tại Hội thảo, đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại 3 tỉnh/thành phố nhận định, từ khi triển khai thực hiện thí điểm mô hình quản lý về an toàn thực phẩm đến nay, hoạt động của các Ban Quản lý đã đạt được nhiều hiệu quả như: giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở ngành và đầu mối chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân về công tác quản lý an toàn thực phẩm; tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về an toàn thực phẩm; là đầu mối thống nhất tiếp nhận và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh liên quan đến an toàn thực phẩm, phát huy vai trò trong định hướng dư luận; đầu mối thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát huy vai trò trong công tác tập huấn nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý các cấp và doanh nghiệp với nhiều đợt tập trung hoặc theo yêu cầu của đơn vị trên cả 03 lĩnh vực Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hội thảo cũng đánh giá, qua quá trình thực tiễn, việc thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả vượt trên mong đợi trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động luôn nỗ lực trong công tác nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên cũng có một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như: các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các bộ ngành có liên quan cho mô hình thí điểm là Ban Quản lý An toàn thực phẩm, vì thế còn nhiều lúng túng trong thực tế, đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm ….

Đồng chí Lê Minh Hải – Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp Hồ Chí Minh nêu ý kiến tham luận tại Hội thảo

Hội thảo cũng được nghe như ý kiến tham luận của các bộ phận chuyên môn, ý kiến của các sở ngành liên quan về kết quả hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm, những thành tựu, những thuận lợi và khó khăn, những bài học kinh nghiệm trong quá trình hoạt động tại 3 tỉnh/thành phố cũng như các vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy thống nhất của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại 3 tỉnh/thành phố…

Khép lại Hội thảo, đại diện 3 Ban Quản lý An toàn thực phẩm đều thống nhất đề xuất UBND trình Chính phủ cho phép thành lập một cơ quan đầu mối là cơ quan chuyên môn cấp Sở thuộc Ủy Ban nhân dân tỉnh/thành phố, có chức năng tham mưu cho Ủy Ban nhân dân tỉnh/thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn./.

Phòng Thông tin, Giáo dục, Truyền thông